Norges Bank Investment Management (NBIM), quỹ đầu tư quốc gia Na Uy lớn hàng đầu thế giới, hôm Chủ Nhật, ngày 27 Tháng Hai, tuyên bố sẽ bán hết các khoản đầu tư vào Nga do nước này tấn công Ukraine, theo Business Insider.
“Chúng tôi đã quyết định ngưng các khoản đầu tư của quỹ vào Nga để bắt đầu rút khỏi quốc gia này, ” theo lời ông Jonas Gahr Store, thủ tướng Na Uy, phát biểu trong cuộc họp báo.
NBIM là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất trên thế giới, theo nhà cung cấp dữ liệu Global SWF. Cuối năm 2021, quỹ này nắm giữ danh mục đầu tư hơn 9.000 cổ phiếu trị giá $1.300 tỷ, bao gồm 47 công ty Nga và trái phiếu chính phủ trị giá 25 tỷ crown ($2.78 tỷ), theo Reuters.
Cùng hôm 27 Tháng Hai, ông Store bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã thách thức an ninh Châu Âu trầm trọng chưa từng thấy kể từ Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.”
Thông báo của Na Uy được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia và công ty phương Tây tăng cường cô lập kinh tế với Nga, trong đó có việc loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT.
Tập đoàn dầu khí lớn BP của Anh cũng đang bán đi 20% cổ phần trong tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft do nhà nước Nga hậu thuẫn. Ông Helge Lund, chủ tịch BP, cho hay cuộc tấn công của Nga đã đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác kinh doanh kéo dài 30 năm của hai công ty khổng lồ ngành năng lượng này.
Thị trường chứng khoán Nga đang lao dốc, với chỉ số MOEX Russia Index giảm 35% tính đến thời điểm hiện tại.
“Thị trường chứng khoán Moscow đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây, và nếu chúng tôi bán cổ phiếu của mình ngay bây giờ, các nhà tài phiệt Nga sẽ có thể mua chúng với giá rẻ, ” ông Nicolai Tangen, giám đốc NBIM, trả lời truyền thông Đan Mạch.
Cổ phần có giá trị nhất của NBIM trong công ty Nga vào cuối năm 2020 là ở ngân hàng nhà nước Sberbank, tiếp theo là các công ty năng lượng Gazprom và Lukoil, theo Reuters trích dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Công ty dịch vụ chuyển vận hàng hóa UPS và FedEx tại Mỹ loan báo sẽ ngưng chuyển vận cho Nga và Ukraine.
Microsoft ngày 28/2 công bố sẽ gỡ bỏ ứng dụng điện thoại di động của hãng tin quốc doanh Nga, RT, ra khỏi các cửa hàng Ứng dụng Windows và cấm quảng cáo trên truyền thông do nhà nước Nga bảo trợ.
Google đã cấm RT và những kênh tin tức khác của Nga nhận tiền quảng cáo trên các trang mạng, ứng dụng và YouTube, tương tự như hành động của Facebook.
Giới đầu tư cũng lần lượt rút chân ra khỏi các công ty Nga.
Trong khi đó, cùng ngày 28/2, Tổng thống của 8 nước Trung và Đông Âu kêu gọi các nước thành viên trong Liên hiệp châu Âu lập tức cấp cho Ukraine quy chế thành viên EU và mở những cuộc thảo luận về việc cho Ukraine gia nhập EU, theo một thơ ngỏ được công bố ngày 28/2.
bức thư viết.”Chúng tôi, Tổng thống của các nước thành viên EU: Cộng hòa Bulgaria, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Latvia, Cộng hòa Lithuania, Cộng hòa Poland, Cộng hòa Slovakia, và Cộng hòa Slovenia mạnh mẽ tin rằng Ukraine xứng đáng được nhận vào EU ngay lập tức, “
Các tập đoàn ngân hàng HSBC của Anh, Societe Generale của Pháp, và các ngân hàng Hàn Quốc đang rút bớt quan hệ với một loạt các ngân hàng Nga, trong lúc thực thi lệnh chế tài của phương Tây đối với Nga.
Mỹ, Anh, châu Âu và Canada loan báo thêm chế tài đối với Nga hôm 26/2, kể cả việc cấm một số ngân hàng Nga tiếp cận hệ thống chi trả quốc tế SWIFT, sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Một thông báo của HSBC mà Reuters có được yêu cầu nhân viên áp dụng những chế tài toàn cầu lên Nga.
HSBC ít có hoạt động trực tiếp tại Nga. Giám đốc Tài chánh Ewen Stevenson hôm 22/2 cho biết HSBC có khoảng 200 nhân viên và lợi tức hàng năm là 15 triệu đô la tại thị trường Nga, một phần nhỏ trong số lợi tức toàn cầu 50 tỉ đô la của họ.
Tuy nhiên, là ngân hàng thương mại tài chánh hàng đầu thế giới và ngân hàng lớn hàng thứ hai châu Âu, HSBC là một mắt xích thiết yếu trong cơ chế ngân hàng toàn cầu và việc Nga bị cắt các dịch vụ của ngân hàng này là một đòn giáng mạnh đối với Moscow.
Thị trường chứng khoán châu Âu đã ngưng tư cách thành viên của ngân hàng Nga VTB Capital, nghĩa là VTB Capital không còn trao đổi trên Thị trường Chứng khoán London được nữa.
Hai ngân hàng hàng đầu tại Hàn Quốc ngày 28/2 xác nhận dù chưa nhận được hướng dẫn rõ ràng từ SWIFT, nhưng họ đã ngưng giao dịch tài chánh với ít nhất 7 ngân hàng Nga.
Ngân hàng Societe Generale của Pháp nói “đã dự trù trước và nhanh chóng áp dụng tất cả các biện pháp liên hệ đến những chế tài mới được áp đặt.”
Ngân hàng Deutsche, lớn nhất nước Đức, cho hay đã thành lập một trang mạng để giúp các công ty khách hàng đối phó với tình hình. Trang này bao gồm những tin tức về ảnh hưởng của các chế tài và những thay đổi trong chuyển khoản các chi trả quốc tế.
Dịch vụ ngân hàng toàn cầu
Thông tư nội bộ của HSBC cũng đề ra những chế tài khác do Anh, Liên hiệp châu Âu và Mỹ áp đặt và liệt kê những công ty của Nga là đối tượng của những chế tài, kể cả ngân hàng phát triển VEB.
HSBC chỉ rõ là theo chế tài của Mỹ, một thực thể do một cá nhân bị chế tài làm chủ từ 50% trở lên cũng bị chế tài, dù thực thể đó có hay không có tên trong danh sách chế tài.
Chế tài của EU áp dụng cùng một quy luật tương tự, HSBC nói.
Ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc và một ngân hàng lớn thứ hai của Hàn Quốc cho hay sẽ ngưng cấp tín dụng thư và những trao đổi tài chánh khác cho các ngân hàng Nga PSB, VEB, VTB, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Sovcombank, và Sberbank.
Ngân hàng thứ hai của Hàn Quốc từ chối tiết lộ danh tánh vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Anh ngày 28/2 tuyên bố đang có thêm những biện pháp chống lại Nga phù hợp với Mỹ và EU trong đó có việc cấm các thực thể Anh thực thi những chuyển khoản với ngân hàng trung ương, Bộ Tài chánh và các quỹ đầu tư khác của Nga.