Việc nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam vất vả tìm nguồn cung mới. Thậm chí, một số phải đóng cửa vì nguồn hàng khan hiếm, càng bán càng lỗ, theo báo Zing hôm 27 Tháng Giêng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc công ty Dịch Vụ Sản Xuất Thắng Thành, cho biết công ty có năm cây xăng dầu ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng buộc phải đóng cửa một số do thiếu nguồn cung trầm trọng và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.
“Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 khối xăng, dầu chứ không được 24 khối như trước vì thiếu hàng. Một lít xăng, dầu nhập về cao hơn bán ra vài trăm đồng do giá bán ra phải theo quy định của nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng, ” ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, gần đây thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp, mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra mỗi ngày, doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chịu thêm nhiều chi phí.
Không riêng doanh nghiệp của ông Thắng, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu ở Việt Nam đang rơi vào thế khó khi nguồn cung giảm, giá mua cộng vào và các chi phí kèm theo cao hơn giá bán ra.
Nói với báo Zing, ông Nguyễn Văn Tiu, giám đốc công ty Cổ Phần Xăng Dầu Tự Lực 1, cũng cho biết hiện nay mức chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu đều giảm mạnh còn vài trăm đồng/lít.
Theo ông Tiu, việc nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, giảm công suất khiến doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như ông phải chật vật tìm kiếm nguồn cung cấp xăng, dầu dự trữ.
Trước đó hôm 25 Tháng Giêng, đại diện NSRP cho biết đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính, đồng thời có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về việc ngừng hoạt động.
“Công ty đã phải hủy nhập hai tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Từ 18 Tháng Giêng, NSRP đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%. Nguyên nhân là do tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận RPA và thanh toán sớm FPOA, cả hai đều là nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động, ” báo Zing dẫn nội dung văn bản nêu.
Tuy nhiên hôm 26 Tháng Giêng, đại diện PVN khẳng định theo điều lệ công ty, Ban Điều Hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy…
“Việc NSRP tự ý hủy nhập hai chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Điều Hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán, ” đại diện PVN cho biết.