Bộ Công An CSVN tiếp tục đưa cáo buộc công ty Việt Á đã chi “lại quả” 800 tỷ đồng ($35.2 triệu) cho đối tác là quản lý CDC (Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật) các địa phương.
Vụ “nâng khống” giá bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Việt Á tại 62 tỉnh thành được ghi nhận đem lại cho doanh nghiệp này doanh thu gần 4.000 tỷ đồng ($176.2 triệu).
Trong vụ án này, báo Zing hôm 7 Tháng Giêng dẫn lời ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An, cho biết nhà chức trách đã kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng ($14.1 triệu), $100.000 và tạm giữ trên 4.8 tỷ đồng ($211.547) do “một số người có liên quan” tự nguyện giao nộp.
Bộ Công An được ghi nhận đang mở rộng điều tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 19 bị can bị khởi tố với các cáo buộc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ” “đưa hối lộ, ” “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Trong số đó có ông Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty Việt Á.
Đáng lưu ý, tuy Bộ Công An nhấn mạnh rằng “đại án” nêu trên “không có vùng cấm” khi xử lý cán bộ, nhưng đến nay, mới chỉ có cấp vụ trưởng, vụ phó tại hai bộ liên quan bị “sờ gáy.” Đó là các ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang Thiết Bị và Công Trình Y Tế, Bộ Y Tế), Nguyễn Nam Liên (vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính, Bộ Y Tế) và Trịnh Thanh Hùng (phó vụ trưởng Vụ Khoa Học và Công Nghệ Các Ngành Kinh Tế Kỹ Thuật, Bộ Khoa Học và Công Nghệ).
Tất cả diễn biến vụ án Việt Á đều do Bộ Công An độc quyền cung cấp để các báo ở Việt Nam đăng bản tin giống nhau, trong lúc có nhiều câu hỏi của công luận, nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu hai Bộ Y Tế và Bộ Khoa Học và Công Nghệ chưa được làm sáng tỏ.
Thời gian nghiên cứu và cấp giấy phép cho bộ kít đều “kỷ lục” trên thế giới. Nếu không có những cái đầu và bàn “ma quỷ” đủ quyền lực liên kết trong một đại âm mưu bịp cả nước lấy tiền thì không thể tiến hành chớp nhoáng và suôn sẻ như vậy.
Tờ Lao Động đặt nghi vấn là nhà nước chi tiền cho Cục Quân Y nghiên cứu “cấp nhà nước” nhưng tại sao lại giao cho một công ty tư nhân thu tiền kiếm lợi. Cục Quân Y được phép thỏa thuận trực tiếp với Việt Á hay được những cấp cao hơn ra lệnh rồi “thổi giá trên trời” trong khi vẫn khoe rẻ gấp nhiều lần so với các “kit” tương tự của các nước tân tiến