Khinh hạm Bayern của Đức dự kiến vào ngày 6/1 sẽ đến Sài Gòn và lưu lại đó đến ngày 9/1. Đại sứ quán Đức tại Việt Nam thông báo tin vừa nêu ngày 5/1.
Theo đó, chuyến thăm TPHCM của Khinh hạm Bayern nằm trong chương trình huấn luyện và duy trì sự hiện diện của Đức tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Đây là chương trình kéo dài nửa năm khởi sự từ đầu tháng tám năm 2021. Chương trình đánh dấu sự trở lại của Đức đến khu vực Biển Đông sau 20 năm. Mục đích được nói để củng cố luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh trong khu vực.
Gần đây Khinh hạm Bayern vừa đi qua Biển Đông mà theo giới quan sát thì hoạt động này là một phần trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện quân sự của Đức, Khối Minh ước Bắc Đại tây dương (NATO) và những đồng minh của Hoa Kỳ trong tình hình Trung Quốc gia tăng bành trướng tại khu vực này.
Cụ thể, Bắc Kinh nhiều lần có những hoạt động đơn phương gây ảnh hưởng đến an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.
Trung Cộng tự vạch ra đường đứt khúc chín đoạn và tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại La Haye ra phán quyết đường đứt khúc chín đoạn đó không có giá trị cả về pháp lý và lịch sử. Tuy nhiên, Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tòa và ngày càng hung hăng tại Biển Đông.
Hãng tin Fox nhận định rằng tuyên bố của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội về sứ mệnh của chuyến đi của khinh hạm Bayern trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nêu bật chính sách an ninh Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Chính phủ Liên bang Đức. Chính sách này được thông qua vào tháng 9/2020 nhằm củng cố vai trò của Đức vừa là một bên xây dựng vừa là một đối tác trong khu vực này.
Các tuyến đường biển mở rộng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế đối với Đức và châu Âu. Sứ mệnh của khinh hạm Bayern là một đóng góp cụ thể vào việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, khinh hạm Bayern cũng đi qua Biển Đông.
Đức thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không trong các vùng biển quốc tế cũng như quyền tự do đi lại được quy định trong Công ước.
Cùng với Pháp và Anh, trong tuyên bố pháp quyền trước Liên Hiệp Quốc, Đức cũng đã nêu quan điểm về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dưới góc độ luật pháp quốc tế.
Theo Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành trung tâm trọng điểm về chính trị và kinh tế. Trong những năm tới, khu vực này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến việc định hình trật tự quốc tế. Do đó, Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở những thách thức liên quan đến chính sách an ninh mà còn chú trọng đến việc đa dạng hóa các đối tác kinh tế cũng như tăng cường pháp quyền, luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu và hợp tác an ninh trong khu vực.