Hơn 700,000 nhà hàng, quán nước lớn nhỏ dẹp tiệm vì các biện pháp chống COVID-19 của nhà cầm quyền, làm hại lây cả ngành du lịch.
Tờ Pháp Luật thành phố Sài Gòn hôm Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Hai, dẫn thông tin từ cuộc hội thảo có đề tài “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” tổ chức tại tỉnh Nghệ An hôm Thứ Bảy, đưa ra những tin tức ảm đạm cho ngành du lịch vốn rất phát đạt trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Tại cuộc hội thảo vừa kể, ông Đoàn Văn Việt, thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đưa ra con số thống kê cho biết, năm 2020, đã có 338 trên tổng số 2.519 công ty lữ hành du lịch quốc tế “xin thu hồi giấy phép” trong khi “90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa.” Sang đến năm nay, “số doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% số doanh nghiệp được cấp phép, ” trong khi “phần lớn đã dừng hoạt động.”
Du khách ngoại quốc mang đô la đến Việt Nam vui chơi, mua sắm, ăn uống là một nguồn lợi hàng tỷ đô la cho nhà nước CSVN trong khi đám bình dân lao động có việc làm, sống qua ngày. Các biện pháp chống dịch nhất là phong tỏa toàn diện từng khu vực rộng lớn, rồi bắt chợ búa, hàng quán đóng cửa khiến nền kinh tế như “chết lâm sàng.”
Khi cho mở cửa lại thì vẫn kèm theo các điều kiện chống dịch, khiến việc kinh doanh vẫn khó khăn. Trong khi đó, giới tiêu thụ cũng không kém e dè vì sợ lây nhiễm. Tại cuộc hội thảo kể trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Vietravel và cũng là chủ tịch Hiệp Hội Văn Hóa Ẩm Thực Việt Nam cho hay, không chỉ các doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, “có trên 700.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngành phục vụ ăn uống phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.”
Khách du lịch đi tới đâu cũng cần có các dịch vụ này hầu hạ ăn uống. Nếu không thì kỹ nghệ du lịch cũng không thể tự nó tồn tại.
Ngày 18 Tháng Mười Hai, tức một tuần lễ trước Lễ Giáng Sinh, tờ Dân Việt thuật một cách buồn bã về sinh hoạt ăn uống, mua sắm ở trung tâm thành phố Sài Gòn “chưa thấy sáng đèn” dù nhà cầm quyền thành phố đã giải tỏa lệnh phong tỏa chống dịch từ hai tháng trước. Tờ báo này nói: “Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang phải “tháo chạy” khỏi trung tâm thương mại vì sức mua quá yếu. Nhiều nơi đóng cửa nghỉ dịch và chưa biết ngày trở lại.”