Dư luận tại Việt Nam hết sức phẫn nộ sau khi nghe ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội thành phố Sài Gòn, tuyên bố: dịch COVID-19 bùng phát và “diễn biến phức tạp” gần năm tháng qua ở thành phố nhưng “đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch.”
Báo Lao Động dẫn lời ông Tấn nói như vậy về vấn đề hỗ trợ cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19 tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn vào chiều 18 Tháng Mười.
Sau khi bị dư luận chỉ trích là “nói láo, ” vào trưa 19 Tháng Mười, sau khi kết thúc kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân, ông Tấn biện minh với báo đài rằng: “Ý của tôi không phải như vậy. Ý của tôi là không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế.”
Tuy nhiên, vào chiều cùng ngày báo Lao Động đã công bố băng ghi âm (tại đoạn ghi âm 2 phút 31 giây) phát biểu của ông Lê Minh Tấn tại buổi thảo luận tổ kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân, cho thấy chính ông Tấn đã nói câu đó, lặp lại đến hai lần: “Đánh giá trong gần năm tháng qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố rất là ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ…”
Facebooker Nguyễn Trường Uy viết trên trang cá nhân : “Như vậy, ông Tấn không chỉ vô cảm khi nói câu đó mà còn nói dối khi phủ nhận. Việc nói sai hay nói hớ cũng là bình thường, không đáng trách bằng việc nói dối. Lưu ý rằng trong ba đợt hỗ trợ vừa qua, có rất nhiều người nhận hỗ trợ chậm và không nhận được là có trách nhiệm chính của ông Tấn. Để bà con nhận chậm và nhận thiếu đã là một cái tội, giờ thêm vô cảm và nói dối nữa thì rõ ràng ông không xứng đáng ngồi vị trí đó, “
Cựu nhà báo Đặng Vỹ bất bình viết trên trang Facebook cá nhân: “Vậy là những lời kêu than lâu nay là do bọn phản động, chúng đổ vấy cho chính quyền. Hay do ông [Tấn] ngồi trên cao quá nên không nghe thấu được lời kêu than, không thấy tình cảnh của người dân?”
Trong khi đó, cựu nhà báo Tuổi Trẻ Lê Đức Dục châm biếm trên trang cá nhân: “”Trừ gần hai vạn người đã chết vì dịch và cả triệu người bỏ chạy hàng ngàn cây số để về quê (hoặc hết sức để về), còn lại thì dân ở Sài Gòn chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch.” Sáng mở mắt ra thấy tinh thần phấn khởi hẳn. Cán bộ mà lo được cho dân trong dịch như vậy thật đáng để vui chứ nhỉ.”
Theo báo Thương Hiệu và Pháp Luật hôm 19 Tháng Mười, ông Lê Minh Tấn bị tố có dấu hiệu được “ưu ái” trên con đường quan lộ, được bổ nhiệm “thần tốc” khi chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp 3) khi giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền tại huyện Củ Chi thời kỳ năm 2003 đến năm 2007.
Theo nội dung đơn tố cáo của cán bộ, đảng viên, người lao động đang công tác làm việc tại Sở Lao Động cho biết: “Ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963, học bổ túc văn hoá và tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày 29 Tháng Năm, 2002, đậu hạng trung bình. Thế nhưng trước đó, trong lúc ông Tấn đang đi học, chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng lại được “ưu ái” cử đi học tại chức hệ cử nhân tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Chưa hết, cùng với quá trình liên tục được cử đi học, đào tạo các lớp cán bộ, ông Tấn đã giữ nhiều vị trí “trọng yếu” tại địa phương và huyện Củ Chi.”
Công luận cũng nhắc lại hồi giữa năm 2016, sau khi lên chức giám đốc Sở Lao Động được hai tháng, ông Tấn đã mời lãnh đạo cấp phòng và các đơn vị trực thuộc đi mấy chục chiếc xe hơi biển xanh về Củ Chỉ ăn đám giỗ của cha ông trong giờ hành chính, nhưng chỉ bị kỷ luật khiển trách