Các biện pháp chống dịch COVID-19 của nhà cầm quyền CSVN không hiệu quả lại còn gây tác động xấu lên nền kinh tế, theo Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB).
Tờ Dân Việt hôm Thứ Hai, 27 Tháng Chín, phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB về tình hình kinh tế của Việt Nam. Theo ông Cường nhận xét, CSVN chỉ lo “bảo vệ túi tiền, ” làm kinh tế tắc nghẽn.
Ông Nguyễn Minh Cường nói với tờ Dân Việt, Việt Nam cũng như những nước khác trong khu vực đã áp dụng các biện pháp chống dịch rất chặt chẽ nên “làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn chuỗi lao động.” Vì vậy “các động lực tăng trưởng kinh tế bị tác động mạnh mẽ.”
Hậu quả từ những biện pháp chống dịch gần giống như “thiết quân luật” những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam tập trung nhiều công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất và xuất cảng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 7.4% so với năm ngoái.
“Thống kê cho thấy, tám tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã gián đoạn sự dịch chuyển lao động và cản trở sản xuất. Hậu quả là 12.8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân xuống 3.6% trong nửa đầu năm 2021, chỉ tăng 0.2% so với nửa đầu năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tiêu dùng khu vực công cũng giảm một nửa, còn 3.2%, do chính phủ cũng cắt giảm chi thường xuyên, ” lời ông Cường nói trên tờ Dân Việt.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, cách chống dịch ở Việt Nam “không đồng bộ, nhất quán và thủ tục hành chính rườm rà.”
Ông nêu ra biện pháp kiểm soát lưu thông ở các địa phương khác nhau đã “làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.”
Nhà cầm quyền trung ương lo “bảo toàn ngân sách nhiều hơn là bảo toàn động lực, đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của chính phủ dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn, trong khi ngân sách vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP – thấp nhất trong khu vực.”
Theo ông Cường, nếu Hà Nội muốn “bảo toàn động lực tăng trưởng” thì phải “đẩy mạnh chi tiêu của chính phủ cho hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.”
Cuối tuần trước, giới đầu tư ngoại quốc thúc hối CSVN công bố lộ trình “mở cửa” để họ biết đường phục hồi sản xuất, hoặc chuyển đi nước khác làm ăn.