Các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng ở Sài Gòn cho rằng dù chính quyền thành phố đã cho mở cửa trở lại nhưng họ không thể thực hiện được do quá nhiều điều kiện vô lý.
Sau gần một tuần Chính Quyền ở Sài Gòn cho phép dịch vụ ăn uống, nhà hàng được mở lại dưới hình thức bán “to-go, ” hầu hết các hàng, quán ở thành phố vẫn không mở cửa kinh doanh.
Theo báo Tiền Phong, trưa 13 Tháng Chín, tại nhiều khu vực ẩm thực ở quận 6, Bình Tân, Bình Thạnh… lẽ ra đã nhộn nhịp khi được phép kinh doanh trở lại nhưng hàng quán vẫn “cửa đóng then cài.”
“Nhiều điều kiện quá khó như “ba tại chỗ, ” bán hàng trực tuyến, đặt ứng dụng shipper giao hàng và chỉ bán nội quận… khiến chúng tôi không đáp ứng được nên chưa thể kinh doanh trở lại, ” chị Thanh, chủ quán phở Hà Thanh (đường Hậu Giang, quận 6, Sài Gòn), cho biết.
Còn tại quận 3, các cửa hàng nào muốn mở cửa bán phải đáp ứng tám điều kiện gồm có giấy chứng nhận ghi danh hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và người lao động đã chích ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, “ba tại chỗ, ” khuyến khích thanh toán online, chỉ bán mang đi.
Ngoài ra, chủ cửa hàng và nhân viên phục vụ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn 48 giờ trước khi hoạt động trở lại, đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh hai ngày/lần…
Do điều kiện khó thực hiện nên theo Ủy Ban Nhân Dân quận 3, hiện cả quận chỉ có khoảng 20 cửa hàng được niêm yết bảng nhận diện “hộ kinh doanh an toàn.”
Chưa hết, nhiều người bán và người mua đều than khó khi giá cước giao hàng tăng cao.
chị Minh, chủ cơ sở ẩm thực tại quận Gò Vấp, cho biết hiện để giao nhanh đơn hàng qua shipper, khách hàng không chỉ tốn giá cước cao gấp nhiều lần bình thường, mà còn phải chủ động bồi dưỡng riêng cho tài xế xe.
“Bình thường, tôi giao đơn hàng đi qua quận 7 chỉ khoảng 70.000 đồng ($3)/lần, nhưng thời gian qua nhiều lúc tốn đến gấp ba lần. Giá cao quá, tôi hạn chế bán, có giao thì cũng để nhân viên riêng đi giao, ” chị Minh nói.
Chỉ cách điểm bán hơn 350 mét, nhưng bà Bích (quận Bình Thạnh) cho biết bà phải tốn 40.000 đồng ($1.76) cho người giao hàng, trong khi bình thường khoảng 15.000 đồng (66 cent), thậm chí bà có thể đi bộ ra mua.
“Nhiều lúc mức tiền chi cho shipper còn cao hơn cả giá trị món hàng đặt mua. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng đặt giao được, ” bà Bích than.
Tương tự, nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực (F&B) tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng “án binh bất động.”
Đại diện hệ thống Satra cho biết tại hai trung tâm thương mại Satra Phạm Hùng và Satra Củ Chi, các đơn vị kinh doanh F&B có thương hiệu chưa đề cập chuyện tái kinh doanh.
“Nguyên nhân do việc mở cửa phải chịu rất nhiều chi phí vận hành. Thực tế, các dịch vụ F&B đang bị động bởi gian hàng bán là những sạp chỉ đủ diện tích để kinh doanh trong ngày, không giải quyết được chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên việc thực hiện “ba tại chỗ, ” đồng thời khả năng lây nhiễm sẽ cao khi lượng người trong trung tâm thương mại tăng, ” đại diện Satra cho biết.
Trong khi đó, báo Thanh Niên cho hay sau gần 20 ngày liên tục triển khai phong tỏa “ai ở đâu thì ở đó, ” Sở Công Thương ở Sài Gòn thừa nhận tình hình giao thương hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại thành phố gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hoạt động cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến với người dân.