Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm 18/8 trong một cuộc họp tại trụ sở của chính phủ rằng việc phòng, chống dịch “vẫn chưa đạt như mong muốn” một phần vì “người dân còn chủ quan, lơ là”, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam và các báo Tin Tức, Tuổi Trẻ.
Trong cuộc họp, phía Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc kiến nghị chính phủ có động thái để dẫn đến việc giảm giá điện, nước, xăng dầu, khí đốt, cước viễn thông…, góp phần hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh; bên cạnh đó là tháo gỡ thủ tục để những người bị mất việc hoặc bị gián đoạn công việc có thể nhanh chóng nhận tiền cứu trợ theo các gói hỗ trợ của nhà nước; và cũng rất quan trọng là đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân ở các tỉnh, thành phố đang bị dịch bệnh nặng.
Chính phủ Việt Nam vừa tái khẳng định những địa phương đang thực hiện các giải pháp phong tỏa không được để dân chúng tự ý rời nơi bị phong tỏa về quê (1).
Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM thì xác nhận đã có hàng trăm ngàn cư dân chạy khỏi TP.HCM vì cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào (2).
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương đang thực thi biện pháp phong tỏa phải giữ cư dân ở tại chỗ, không cho họ dịch chuyển về quê (3). Chủ trương này từng và đang khiến chính quyền một số tỉnh chặn người di tản băng qua địa phận của mình, một số tỉnh không cho người di tản vốn là cư dân của mình quay về nương náu với gia đình của họ, thậm chí, một số tỉnh chỉ trích những tỉnh khác lỏng tay khiến dân chúng lũ lượt tháo chạy về phía họ…
Thật ra, kềm giữ những người đang sống trong khu vực có dịch ở yên tại chỗ không sai, bởi bất kỳ sự dịch chuyển nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những ổ dịch mới. Tuy nhiên kềm giữ, cấm dịch chuyển chỉ mới là một vế, vế còn lại là phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho những người bị cấm dịch chuyển, khiến họ yên tâm trụ lại tại chỗ. Trên thực tế, tuân thủ các chỉ đạo, thực thi những giải pháp mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đề ra chẳng khác gì tự hãm mình trong tử địa!
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư TP.HCM, sơ kết: Sau hai tháng rưỡi phong tỏa, mỗi ngày thành phố này có khoảng 240 người chết, bệnh tình của hàng trăm người nhiễm COVID-19 trở nặng phải thở oxy, hàng ngàn bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu. Còn Chủ tịch TP.HCM, kể: Số ca lây nhiễm bên ngoài các khu cách ly đang tăng. Trước, tỉ lệ khoảng 20%, giờ tỉ lệ khoảng 53%. Hệ thống y tế đã quá tải, nhiều người đã chết oan (4) nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng, chưa có và không để xảy ra khủng hoảng y tế (5)