Nhiều địa phương đòi hỏi người dân phải có giấy xét nghiệm với kết quả âm tính mới được phép “nhập cảnh”.
Kể từ 0 giờ ngày 5/7, người dân từ vùng dịch có việc phải đi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đều được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị từ 3 đến 7 ngày (tùy địa phương) kể từ khi có kết quả xét nghiệm.
trong ngày 5/7, nhiều người dân ở TP.Sài Gòn , Bình Dương đã không thể vào Đồng Nai làm việc vì không xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Thợ hồ Hồ Văn Lắm ở Bình Dương bị chặn lại tại chốt kiểm dịch chân cầu Đồng Nai buồn bã nói: “Giờ không cho qua thì tôi về thôi, có thể hôm nay về làm giấy xét nghiệm để mai được đi làm.”
Đòi hỏi về “giấy thông hành” ngay lập tức khiến nhu cầu làm xét nghiệm tăng cao, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế cũng như làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch do sự tập trung quá đông người ở các điểm xét nghiệm.
Báo Dân Trí đưa tin, vào trưa 5/7, rất đông người dân đã tập trung tại chợ đầu mối Bình Điền trên địa bàn quận 8, TP Sai Gòn để lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Có thời điểm, khi nhân viên y tế phát tờ rơi, hàng trăm người đã xúm vào tranh giành gây náo loạn cả góc chợ. Lực lượng y tế quá mỏng không thể điều phối người dân giãn cách, xếp hàng trật tự theo quy định.
Tờ báo dẫn lời đại diện ngành y tế cho biết có khoảng 15.000 đến 17.000 người tới tham gia xét nghiệm nhanh Covid-19. Tuy nhiên, đến 15 giờ cùng ngày, chỉ mới có gần 2.000 người được xét nghiệm nhanh. Điều đáng lo ngại là có nhiều người có kết quả dương tính.
Hình ảnh chen chúc ở chợ Bình Điền gợi nhớ lại hình ảnh hàng ngàn người chen chúc ở nhà thi đấu Phú Thọ tại quận 11, TP HCM để tiêm vaccine gần đây. Nó cũng đã châm ngòi cho một đợt tranh cãi mới trên mạng xã hội và trên báo chí về cách thức chống dịch của chính quyền.
Bạn đọc Thiềng Tạ bình luận trên báo Dân Trí: “Tổ chức xét nghiệm thế này thì vỡ trận… Nếu có ca dương tính thì toang luôn. Xét nghiệm nên đưa về thôn xóm và mời theo giờ giãn cách, theo nhà gộp mẫu.”
Một người khác viết: “Đi xét nghiệm mà chen chúc nhau thế này khác nào nhân giống Covid-19. Hôm nay xét nghiệm không bị, nhưng mấy ngày sau sẽ bị. Phản khoa học quá mà.”
Nhiều người còn cho rằng việc đòi hỏi “giấy thông hành” này chẳng khác gì một loại giấy phép con, một kiểu “hành hạ” người dân vốn đang lao đao, kiệt quệ giữa đại dịch, bởi các xét nghiệm theo yêu cầu để cấp giấy này đều thu phí.
vào ngày 5.7, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Sai Gòn , Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.